Thứ Ba, 13 tháng 9, 2016

3 lý do phản đối việc thi Trắc nghiệm môn Toán

Vừa qua, hội Toán học Việt Nam đã có buổi gặp gỡ báo chí với mục đích đưa ra 3 lý do phản đối đề án tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia với hình thức thi Trắc nghiệm môn Toán của Bộ GD&ĐT.


Theo đó, ý kiến chung của cả Hội với những thành viên có mặt, vắng mặt và của GS.TS Khoa học Phùng Hồ Hải, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hội Toán học Việt Nam  đều không đồng tình với chủ trương của Bộ GD&ĐT trong việc dự kiến triển khai thi môn Toán bằng phương pháp trắc nghiệm trong năm học 2017 bởi 3 lý do.

1: Thời gian triển khai gấp gáp

Những thay đổi  của Bộ GD&ĐT trong những năm gần đây đều mang tính “thời vụ”, với áp lực về thời gian và diễn ra trong thời gian quá gấp gáp. Có thể dễ dàng nhìn ra những hạn chế ấy trong kỳ tuyển sinh năm 2016 để thấy rõ vấn đề này. Những thay đổi lớn, trên diện đối tượng đông đảo, với những vấn đề cốt lõi cần có sự đầu tư về thời gian, có sự thăm dò ý kiến và tiến hành khảo sát những đối tượng trực tiếp “chịu” tác động của sự thay đổi đó.
Xét riêng với những thay đổi đột xuất kể trên với môn thi Toán, hình thức thi Trắc nghiệm trong bản dự thảo đã gây ra tâm lý hoang mang và nhiều xáo trộn cho học sinh, phụ huynh và thầy cô. Bản thân các thầy cô giáo cũng cũng chưa định hình được sự thay đổi hình thức thi kể trên có chuẩn xác hay không, hay đến “phút thứ 89”, Bộ GD&ĐT mới “chốt hạ” quyết định, lúc ấy, có muốn cứu học sinh cũng không thể cứu được.
Thêm vào đó, trong thời gian ngắn, học sinh không thể thích ứng ngay được với hình thức thi Trắc nghiệm, còn bản thân các giáo viên cũng không thể ngay lập tức thay đổi và soạn thảo được giáo án mới, phù hợp với đặc trưng của hình thức thi trắc nghiệm. Điều này vô tình lại tạo ra hệ lụy gia tăng việc học thêm, dạy thêm trong trường cũng như ngoài trường đáng buồn, gây ra những hệ lụy xấu.\

2: Vấn đề chuyên môn

Theo Hội Toán học cho hay, về phía Hội, quan điểm giải toán phải được nhìn nhận tận mắt cách thức người dùng triển khai lời giải ra sao, tư duy logic thế nào, từng bước có lập luận chặt chẽ hay không, mới đánh giá được đúng và chân thực nhất năng lực của người học.
Về phía học sinh, bài toán đặt ra cho Bộ GD&ĐT chính là bài toán “đánh lụi trắc nghiệm”. Theo đó, mặc dù tỷ lệ điểm thi không cao, nhưng nếu sử dụng hình thức trắc nghiệm dễ dàng cho thí sinh tránh được điểm liệt và biết đâu lai xảy ra hiện trạng đạt 9, 10 môn thi hóa, lý nhưng lại được 0 điểm môn thi Toán học trong kỳ thi THPT Quốc gia vừa qua.
Về phía giáo viên, hình thức thi trắc nghiệm không chỉ gây khó cho các học sinh mà còn là bài toán nan giải cho vấn đề chuyên môn của thầy cô. Trước giờ, các thầy cô có kinh nghiệm giảng dạy và ôn luyện đều “nổi danh” vì cách thức ôn luyện truyền thống, chứ chưa hề có thầy cô nào dám đủ tự tin dám khẳng định chuyên môn ôn thi của mình theo hình thức thi Trắc nghiệm. Bởi lẽ, đây là năm đầu tiên ứng dụng hình thức thi này.

3: Kinh nghiệm tổ chức kỳ thi

Việc đưa hình thức thi trắc nghiệm kể trên, Bộ hoàn toàn bị động và hoàn toàn phụ thuộc vào ngân hàng đề thi của Đại học Quốc gia Hà Nội. Thêm vào đó, Bộ cũng không đưa ra những chủ trương cụ thể để khảo sát chất lượng đề thi, như vậy làm sao có thể đánh giá được năng lực của thí sinh và mức độ phù hợp của đề bài trong kỳ thi? Điều này cũng gây ra những khó khăn nhất định trong việc kết luận xem phương án thi nào tốt hơn cho thí sinh.

Theo đó, trước mắt, Hội Toán học kiến nghị chưa áp dụng hình thức thi kể trên trong kỳ thi THPT Quốc gia năm 2017 và những năm tới.

Theo(vtc.vn)


EmoticonEmoticon